Điện Biên Phủ và một binh chủng đặc biệt - Viết Hiền

Điện Biên Phủ và một binh chủng đặc biệt

Viết Hiền

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng lừng lẫy của lịch sử cách mạng Việt Nam, làm chấn động địa cầu. Làm nên chiến thắng lẫy lừng ấy, cùng với sức mạnh toàn dân tộc là sự đóng góp của các binh chủng: bộ binh, pháo binh, dân công và lực lượng văn nghệ sĩ. Trong "đại binh chủng" văn nghệ, đội ngũ mỹ thuật là một "binh chủng" khá đặc biệt.


Tranh Chị cốt cán.


Ngay từ những năm tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8-1945, cùng với dân tộc, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương đã tham gia kháng chiến. Không chỉ đóng góp cho cách mạng bằng những tờ truyền đơn, áp - phích, khẩu hiệu, mẫu tiền, tín phiếu, mẫu tem… nhiều họa sĩ còn trực tiếp hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến. Tiêu biểu trong số này là các họa sĩ, nhà điêu khắc: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Thị Kim, Phan Kế An, Nguyễn Trọng Hợp, Diệp Minh Châu … 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với các họa sĩ, nhà điêu khắc đàn anh ở trường Mỹ thuật Đông Dương, các họa sĩ, nhà điêu khắc khóa Mỹ thuật Kháng chiến đã đã tập hợp thành "Binh chủng Mỹ thuật", cùng dân tộc tham gia kháng chiến. Riêng đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, đội ngũ mỹ thuật đã có mặt ở hầu hết các nẻo đường chiến dịch. Tại Bộ chỉ huy chiến dịch có họa sĩ Mai Văn Hiến; các danh họa Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Sĩ Ngọc ở đèo Lũng Lô - Nghĩa Lộ; Văn Giáo, Đặng Đức theo tuyến dân công; Nguyễn Bích ở Báo Quân đội Nhân dân; Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm trở thành cán bộ làm công tác địch vận, giải tù binh và cả phiên dịch; Ngô Tôn Đệ, Trần Lưu Hậu hoạt động ở khu trung tuyến; Huy Toàn ở Đại đoàn pháo 312, Phạm Thanh Tâm ở Đại đoàn 315; danh họa Nguyễn Sáng và Lê Huy Hòa hoạt động ở Đại đoàn 308… Riêng danh họa Nguyễn Sáng từng sang tận Thượng Lào, từng cùng bộ đội ăn gạo rang, uống nước suối.

Không chỉ có vậy, điều đáng nói là chính từ chiến dịch Điện Biên Phủ một thế hệ họa sĩ mới đã được hình thành. Ít ai có thể ngờ rằng giáo sư, họa sĩ Nguyễn Thụ, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội lại từng là chiến sĩ của Đại đoàn 316 ở Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó là các họa sĩ Phạm Hảo, Sĩ Tốt, Lương Quý… Phạm Hảo từng là chiến sĩ quân y ở Điện Biên Phủ. Lương Quý từng là chiến sĩ của E77 huấn luyện tân binh. Sĩ Tốt từng là chiến sĩ đồ bản của Đại đoàn 316…

Tranh Xưởng quân giới, 1951.


Ngoài việc trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ hậu cần, các họa sĩ, nhà điêu khắc ở Điện Biên Phủ còn vượt qua lửa đạn, gian nan, thử thách để ghi chép, ký họa, vẽ áp phích, truyền đơn… Ngay tại khu vực đồn Bản Kéo, họa sĩ Mai Văn Hiến đã thực hiện một bức tranh địch vận hoành tráng với kích thước khoảng 20 m2. Chính bức tranh của ông đã tác động đến tinh thần, tâm lý của địch và cả một tiểu đoàn ngụy Thái đã lũ lượt ra hàng sau đó. Danh họa Tô Ngọc Vân, nguyên giảng viên Trường Mỹ thuật Đông Dương - Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam đầu tiên sau cách mạng Tháng 8, lúc này trở thành chiến sĩ Điện Biên. Ông đã mải miết theo chân những đoàn quân, ghi chép, ký họa và thể hiện khá nhiều tác phẩm có giá trị về Điện Biên Phủ. Họa sĩ Văn Giáo từng cùng với danh họa Nguyễn Đỗ Cung nổi tiếng qua Lớp Mỹ thuật miền Trung, ở Điện Biên Phủ lại tiếp tục vẽ và trưng bày những bức tranh bột màu ngay tại chiến trận. Họa sĩ Nguyễn Bích với hàng loạt tranh áp - phích, tranh biếm họa, đả kích được in trên Báo Quân đội Nhân dân và được rải khắp mặt trận đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và làm cho quân địch thêm run sợ, mất tinh thần. Nhiều tranh của ông trên Báo Quân đội Nhân dân được các chiến sĩ cắt và dán ngay trong lán trại, chiến hào. Các họa sĩ Phạm Thanh Tâm, Huy Toàn đã thực hiện nhiều ký họa, tranh áp - phích trên các báo của Đại đoàn 315, 312.

Bên cạnh những ký họa, áp - phích, truyền đơn, các "họa sĩ Điện Biên" còn sáng tác khá nhiều tác phẩm về Điện Biên Phủ. Tiêu biểu trong số này là các tác phẩm: Tại trung tâm Điện Biên Phủ của Huy Toàn; Xưởng quân giới (sơn dầu 1951), Chị cốt cán (màu nước 1953) của Tô Ngọc Vân; Gặp nhau (Mai Văn Hiến); Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ (Phạm Thanh Tâm); Giặc đốt làng tôi (Nguyễn Sáng); Tiến vào Tây Bắc (Văn Giáo); Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng (Lê Vinh)… Đặc biệt, Điện Biên Phủ còn có "sức hút" lạ kỳ đến nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam sau khi chiến dịch đã toàn thắng và cả lớp họa sĩ, nhà điêu khắc thế hệ sau 1954. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu, như Làm đường chiến dịch Điện Biên (tranh lụa của Thanh Ngọc), Cắm cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ - Cát (nhóm tượng đài của Nguyễn Hải), Lá cờ đất Điện Biên (Nguyễn Quân)…

50 năm đã trôi qua, song ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn in đậm trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Giờ đây, hình ảnh về Điện Biên Phủ qua những ký họa, ghi chép và những tác phẩm mà các họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc "Binh chủng Mỹ thuật" thể hiện năm xưa thật ý nghĩa và giá trị. Chắc rằng, Điện Biên Phủ sẽ là đề tài được các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam tiếp tục khai thác, thể hiện. Nhóm tượng Cắm cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ - Cát của nhà điêu khắc Nguyễn Hải vừa được chọn xây dựng tại Điện Biên là một minh chứng. Nhóm tượng đài hoành tráng nói trên sẽ được chính thức khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-2004).

. Viết Hiền
Nguồn: Báo Bình Định - 31/3/ 2004