Danh họa Tô Ngọc Vân - Từ những nẻo đường chiến dịch

Danh họa Tô Ngọc Vân - Từ những nẻo đường chiến dịch

Theo VOV

Trên đường trở về căn cứ Việt Bắc 40 ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hy sinh trong lúc vừa vẽ xong bức tranh cuối cùng đề ngày 17/6/1954, tại đèo Lũng Lô. Bức họa Qua đèo Lũng Lô đã khép lại sự nghiệp hội họa đang đà phát triển, trong sự tiếc nuối của bao người mến mộ tài năng Tô Ngọc Vân.

Tô Ngọc Vân quê làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hải Dương. Ông sinh ngày 15/12/1906 tại phố Hàng Quạt, Hà Nội. Với lịch sử mỹ thuật Việt Nam, Tô Ngọc Vân là người có công đầu khai sáng.

Từ trước cách mạng tháng Tám, Tô Ngọc Vân đã thành danh với những giải thưởng: Huy chương vàng tại triển lãm thuộc địa Paris cho bức sơn dầu Bức thư năm 1931; Bằng danh dự phòng triển lãm họa sĩ Pháp năm 1932, năm 1933 được bầu làm hội viên Hội Họa sĩ Pháp và từ năm 1939, trở thành giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Cách mạng tháng Tám đã mở ra một cơ hội lớn để ông có thể thâm nhập sâu vào căn cốt dân tộc với vẻ đẹp giản dị, ẩn chứa sức mạnh lay động toàn cầu. Chứng kiến các biến cố trọng đại của dân tộc, thời gian này, Tô Ngọc Vân đem toàn bộ tâm huyết phục vụ cách mạng, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp của cả dân tộc qua những tác phẩm thấm đẫm nhiệt tình chung của thời đại. Những bức tranh cổ động: Phá xiềng; Việt Nam được giải phóng; Hà Nội vùng đứng lên… hòa nhập một cách hữu cơ với không khí thời đại, tiêu biểu cho sự chuyển biến lớn lao trong tư tưởng của thế hệ họa sĩ lúc đó. Tô Ngọc Vân đã từng tâm sự:
“Cuộc kháng chiến đã làm xiêu đổ những giá trị tư tưởng cũ, chúng tôi muốn đoạn tuyệt với cái dĩ vãng nghệ thuật mà giờ nghĩ tới sự chuyển biến đó, chúng tôi cảm thấy khó khăn, nặng nề như chuyển một trái núi…”.
Thực tiễn đời sống kháng chiến với những sinh hoạt bình dân, những vẻ đẹp bình dị của các bà bủ, bà bầm, những cô dân quân, anh bộ đội… đã phá tung cánh cửa khuê các, đặt các nhân vật của Tô Ngọc Vân vào hoàn cảnh khác, mang tâm tình và suy nghĩ theo lối khác. Nổi danh là họa sĩ chuyên vẽ phụ nữ đẹp theo quan niệm tiểu tư sản (Thiếu nữ bên hoa huệ; Hai chị em gái…), nhưng hầu như ngay lập tức, xuất hiện trên giá vẽ của Tô Ngọc Vân những hình ảnh, những khuôn mặt phụ nữ Việt Nam dọc đường kháng chiến, với quan niệm về cái đẹp thay đổi theo nhân sinh quan thời đại.

Cuộc sống trong những ngày toàn quốc kháng chiến đã thắp sáng vẻ đẹp mộc mạc, đằm thắm nghĩa tình, trong ước muốn cống hiến vô tư cho Tổ Quốc, lý tưởng. Tô Ngọc Vân hăng hái tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, mở rộng thế giới quan để đạt tới sự hoàn thiện, thống nhất giữa hình thức và nội dung. Tô Ngọc Vân đấu tranh với chính mình cho những phương thức biểu hiện mới của nghệ thuật phù hợp hơn với nhiệm vụ mới. Ông vẽ Trung đoàn Thủ đô; vẽ phong trào sản xuất, tiết kiệm; vẽ ký họa nông thôn… Những bức tranh và ký họa thời kỳ này đã đưa Tô Ngọc Vân tới vị trí trung tâm của mỹ thuật kháng chiến (Bác Hồ làm việc ở Bắc bộ phủ; Bộ đội dừng chân trên đồi; Chị cốt cán; Đốt đuốc đi học…). Kiên quyết đứng trên lập trường của một nền nghệ thuật thấm nhuần tư tưởng cách mạng, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống, gần gũi với nhân dân, mong muốn vươn tới hình thức hiện thực, là những yếu tố quyết định để tạo nên phong cách nghệ thuật của Tô Ngọc Vân trong 9 năm kháng chiến. Đúng như ông bộc bạch sau thành công của bức ký họa Chị cốt cán:
“Đây là bức tranh phụ nữ đẹp nhất của tôi từ trước đến nay”.

Vị trí trung tâm của Tô Ngọc Vân trong thời gian đó được khẳng định, không chỉ bởi tài năng bậc thầy về hình thức thể hiện, mà còn bởi chính nội dung có tính phổ biến, đề cập tới thực chất những vấn đề chủ yếu của thời đại. Bên cạnh đó, tính chất mực thước, ổn định trong phong cách có được từ những năm là giảng viên trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương đã ký thác vai trò chuyển giao thời đại vào Tô Ngọc Vân. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, ông được Bộ Quốc gia giáo dục nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cử làm Giám đốc trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, năm 1950 làm hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam. Tấm gương hy sinh anh dũng của họa sĩ - liệt sĩ Tô Ngọc Vân đã trở thành niềm khích lệ lớn lao đối với thế hệ họa sĩ sau khi hòa bình lập lại tại miền Bắc. Khóa học đầu tiên được trân trọng gọi: “Khóa Tô Ngọc Vân”./.

Theo VOV