L.T.S. – Trong mục “để gần hội họa” họa-sĩ Tô Ngọc Vân có ý giảng giải những sự sai lầm của công-chúng trong phạm vi nghệ-thuật. Sau đó sẽ đối chiếu hội-họa phương Tây với hội-họa Á-Đông, rồi lược khảo đến hội-họa Việt-Nam từ lúc bán khai tới giờ. Sau rốt đến sự Âu-hóa trong hội-họa Việt-Nam và tương lai của nó.
Kỳ Triển lãm tranh dầu Nhật ở Hanoi trước đây mấy tháng, có bầy một bức họa người đàn bà Khỏa Thân, mầu nâu dìu dịu, hơi hoen sanh và hồng, rung cảm một không khí buồn êm thấm thía. Tôi thấy tác phẩm “Đẹp” và ngỏ cảm tưởng ấy cùng bạn tôi cũng đến thưởng thức họa phẩm, song là một văn sĩ không quen nghề họa của chúng tôi mấy. Bạn tôi chê bức tranh xấu. Phân tách cảm giác của bạn, hai tôi nhận ra rằng bạn thấy xấu ở chỗ người đàn bà hình dung trên tranh có cặp mắt to quá, cái mũi thì díu lại, còn cái môi lại vều ra.
Biết bao nhiêu người trong công chúng ta, hoặc đã thưởng thức sai lạc hay chỉ trích nhầm đường như bạn tôi chỉ vì đã lẫn cái “đẹp” ở trong tranh với cái Đẹp ở ngoài đời! Người đi xem tranh tả thiếu nữ mà khó tính như đi xem mặt hỏi vợ thì cũng có một đôi khi vừa lòng, nhưng phần nhiều bị thất vọng. Cái Đẹp ở ngoài đời, tôi muốn nói cái Đẹp mọi người đời công nhận – cũng một đôi khi là cái “Đẹp” trong tranh. Thí dụ: một thiếu nữ người đời cho là Đẹp diễn tả trên họa phẩm tuyệt tác, những đàn bà của họa sỹ Raphaël(1) chẳng hạn.
Song một phần lớn, nhân vật của những họa-sĩ đại tài không phải là những người mà công chúng hay cả đến nhà mỹ-thuật nhận là Đẹp. Còn có tai nạn nào lớn hơn cho Matisse(2) là phải ôm ấp những đàn bà họa-sĩ tô điểm, những khuôn mặt siêu vẹo như sau một tai nạn ô tô! Còn cái khổ nào to hơn cho Raoult(3) nếu phải âu yếm những phụ-nữ mình đã sáng tạo với hình giáng ngáo ọp như để dọa nhát tinh!
Vậy mà những nghệ-sĩ ấy vẫn yêu, vẫn thấy “Đẹp” những nhân vật ấy, yêu theo lòng yêu của nhà mỹ-thuật, chứ không thiên theo quan niệm cái Đẹp ở ngoài đời. Gặp họ ở ngoài đời, chắc nghệ-sĩ không có can đảm đem họ về làm vợ, nhưng trong thế-giới mỹ-thuật riêng của nghệ-sĩ, đó là người đàn bà kiểu mẫu, người đàn bà lý-tưởng. Bởi những duyên cớ mỹ-thuật. Bởi những hình, những sắc, người đàn bà lý-tưởng đã bầy, đã giải rác trên họa phẩm để tạo lên những không khí về sắc, về hình mà nghệ-sĩ muốn có.
Cái bí quyết của nghệ thuật bức họa là ở sắc với hình, sao chúng ta lại không chỉ dựa vào hình và sắc mà phán đoán một bức tranh. Người đàn bà Đẹp hay người đàn bà Xấu có mặt ở trên bức tranh là vì những cớ về sắc về hình, chứ không phải vì người đời đã thấy họ Đẹp hay Xấu.
Suy từ người cho đến phong cảnh hay vật gì tả trong tranh cũng vẫn thế. Trông cái áo đẹp mới may, hay một tòa nhà lộng lẫy, hay một cái mũ cánh chuồn vị tất họa-sĩ đã thấy nguồn hứng cảm mãnh liệt như khi trông thấy cái áo nâu vá, chiếc nhà danh siêu lệch, hay cái nón rách của người ăn mày.
Nói tóm lại, nghệ-sĩ đánh giá nhân vật cân nhắc cái Đẹp của nó theo phẩm lượng về sắc với hình.
Cái “Đẹp” ở trong tranh, vì thế, ít khi là cái Đẹp ở ngoài đời.
Tô Ngọc Vân
———–
(1) Người Ý hồi mỹ-thuật Phục Hưng.
(2) Họa-sĩ Pháp hiện thời.
(3) Họa-sĩ Pháp hiện thời.
0 comments: