Tô Ngọc Vân: Cánh chim đầu đàn của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại - Trịnh Chu
07:04:00Tô Ngọc Vân: Cánh chim đầu đàn của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại
Trịnh Chu
Xã hội cổ truyền Việt Nam đắm mình trong giáo lý Nho, Phật, Lão nên vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ chưa bao giờ được xem trọng, nếu không muốn nói đó là một cấm kị, đừng đụng vào mà bị coi khinh. Một ngày kia cơn gió mạnh Tây phương ồ ạt thổi đến cuốn phăng bao định kiến đang có nguy cơ phá sản của những não trạng không bình thường. Và lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, tầng lớp tiểu tư sản thành thị xuất hiện, đấy chính là nhân tố mới đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong giai tầng xã hội Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ mười chín, đầu thế kỷ hai mươi. Lẽ dĩ nhiên những hệ luỵ là điều khó tránh khỏi, như mâu thuẫn giữa các ý thức hệ, cái cũ - cái mới, bản sắc - ngoại lai… Là mẫu nghệ sĩ hoàn hảo cả trong cách nghĩ lẫn cách biểu đạt, Tô Ngọc Vân đã bắt được cái đẹp phát xuất từ ngọn gió phương xa nơi phong thái người thiếu nữ thị thành với những đường cong uốn lượn, những hình thể chói loà sắc màu, sáng tạo nên những bức tranh lộng lẫy, tươi mát, giàu sức biểu hiện nhờ một nghệ thuật sơn dầu điêu luyện, sành sỏi, bậc thầy. Cấu trúc bác học phương Tây đã ngưng kết trong mạch nguồn văn hóa dân tộc khiến tác phẩm nghệ thuật Tô Ngọc Vân vừa có sự thanh tân nguồn cội, lại vừa có cái nhìn mới mẻ, hiện đại làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của tầng lớp thị dân mới.
Nhập học khoá II (1926-1931) - Khoa sơn dầu, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, vốn bản tính năng động, truy cầu hiểu biết cùng nỗi hoài vọng lớn lao muốn cách tân nền nghệ thuật nước nhà trên tinh thần dân tộc, bản quán, Tô Ngọc Vân đã vẽ bằng tất cả lòng đam mê, sự nhiệt thành hồ hởi của một tâm hồn khát khao cái hiện đại tân kỳ nơi những hình sắc nồng nàn, mê đắm. Ông nhạy cảm, tế nhị với những khối tròn đầy, những đường cong của người thiếu nữ. Tất nhiên đấy không phải chỉ đơn thuần là một thái độ chuộng lạ mà còn là sự đồng điệu giữa tâm hồn nghệ sĩ với hình tượng đẫm tính tạo hình nơi những vóc dáng hoàng cung. Tô Ngọc Vân đã tiếp thu một cách sáng tạo nền hội họa hàn lâm Pháp – cấu trúc, bố cục, phép viễn cận, màu sắc, đường nét khoa học… - nhưng vẫn không quên tìm về nguồn mạch giống nòi với mảng khối lớn, có nhịp điệu, tả thần là chính, thậm chí còn có phần tâm linh, tỉ lệ theo cảm giác… của mỹ thuật truyền thống Đông phương qua việc học tập, mày mò, nghiên cứu tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, bích hoạ Nhật Bản, thủy mặc Trung Hoa… và đã không ít hồn xưa Á Đông đổ bóng xuống tác phẩm của Tô Ngọc Vân. Do vậy, nếu bảo hội hoạ Tô Ngọc Vân là sự tương hợp kỳ diệu giữa hai phương trời vời vợi Đông - Tây cũng không có gì là thái quá: Cảm xúc và tưởng tượng mạnh mẽ được biểu đạt bằng một kỹ thuật độc đáo, hữu hiệu.
Ngay từ thời còn là sinh viên, Tô Ngọc Vân đã có tranh trưng bày triển lãm bên cạch những tác phẩm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm – những tên tuổi lớn mà về sau đã làm rạng danh nền mỹ thuật Việt Nam trên đất Pháp. Đó là vào tháng 8 năm 1930 tại Sài Gòn, với các tác phẩm về phong cảnh khá ấn tượng. Báo Phụ nữ tân văn - số 71, ra ngày 25 tháng 9 năm 1930, có những lời đánh giá xác đáng:
“Bức Ánh mặt trời của ông Vân có thể gọi là một bài ca tụng cái tài biến hoá của ánh mặt trời. Ta xem lại tranh Bụi chuối ngoài nắng cũng của ông Vân, lá chuối xanh, ánh nắng phản chiếu vào nhuộm thành màu vàng ối, mặt người rám nắng, mặt trời chiếu vào đã hoá ra hồng hồng pha trộn với sắc lửa. Một cảnh chói lọi mà vẫn dịu dàng, nhìn không chán mắt. Bức Trời dịu, được vẽ với bút pháp táo bạo, tự nhiên mà trên cả bức tranh hình như ta thấy có luồng không khí trong sạch, mát mẻ bao bọc cả xung quanh”.
Năm 1935, trong cuộc triển lãm do SADEAI (Hội Chấn hưng Mỹ thuật & Kỹ nghệ) tổ chức, Tô Ngọc Vân tham gia một số tác phẩm về phong cảnh cố đô Huế, như: Lăng Tự Đức, Thuyền trên sông Hương, Bức thư… Và báo Ngày nay – số 3, ra ngày 20 tháng 2 năm 1935, ca ngợi:
“Bao nhiêu là ánh sáng linh động trong tranh phong cảnh của Tô Ngọc Vân. Bức hoạ Lăng Tự Đức của ông Vân thật là khéo léo, cái lặng lẽ của một ngôi mộ, những bức tường có rêu bao phủ, những bóng cây râm mát, tất cả cái đó đều tỏ ra một cách vừa rõ rệt, vừa kín đáo làm người ta nghĩ đến một cảnh Huế êm đềm. Bức thư – Đó là một cảnh yên lặng trang nhã, êm đềm và mát mẻ lắm, cái nền hoa mai nở làm cho bức họa thêm xuân, xuân vì cái màu trắng non của hoa điểm trong cái màu mờ nhạt của bức họa”.Cũng năm này, Tô Ngọc Vân được bổ nhiệm đi dạy học ở Trường trung học Sisovath ở thủ đô Phnompenh của Campuchia. Đến năm 1939, ông trở lại Hà Nội nhận chức giáo sư hình hoạ và dạy học luôn ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ở cương vị mới này Tô Ngọc Vân vẫn tỏ ra xuất chúng. Ông hay khuyến khích các học trò vẽ sáng tạo, tránh sự gò bó khuôn sáo. Và một đội ngũ họa sĩ kế cận thực tâm, thực tài đã xuất hiện dưới bàn tay đào luyện của ông như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Diệp Minh Châu, Dương Bích Liên, Huỳnh Văn Gấm… mà tên tuổi của họ sẽ còn vọng dội mãi vào lịch sử nền mỹ thuật Việt Nam với tư cách là những đại diện ưu tú.
Năm 1944, Tô Ngọc Vân làm ngây ngất công chúng thủ đô bằng những bức tranh về thiếu nữ: Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen, Hai thiếu nữ và em bé đánh dấu đỉnh cao nghệ thuật sơn dầu Tô Ngọc Vân: Nghệ thuật vững vàng về hình khối, màu sắc đẹp, hài hoà, sáng tối lung linh, trữ tình, thanh thoát và đằm thắm. Với những họa phẩm ấy, Tô Ngọc Vân đã làm một cuộc cách mạng trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Ông trở thành một trong những trụ cột vững chãi làm cơ sở cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại phát triển. Thiếu nữ bên hoa huệ - sơn dầu, vừa được quan sát tinh tường, khoa học, lại được buông thả xa vời trong tưởng tượng đã ám ảnh nhân gian bằng cái nhung, cái tuyết của người thiếu nữ trong chiếc áo dài trắng thuỷ tinh, đẹp thanh thoát và dịu dàng. Với lối nhìn, khối ánh sáng rất hiện đại, có phần chịu ảnh hưởng trường phái Paris nhưng về chiều sâu vẫn kế thừa đậm nét cốt cách dân tộc, cái yêu kiều, cái phong nhã, một cái gì thuần tuý Việt Nam: Trong trắng, kiều diễm và thông mình. Ta bỗng nhận ra cái chùng chình lơ lửng, cái thư thái mà u uẩn, cái háo hức mà cô đơn, cái giản dị mà cao khiết, cái gần gũi mà xa vời… nơi hình tượng người thiếu nữ trước hoa. Bằng lăng kính photo cup, Tô Ngọc Vân đã giúp ta phát hiện ra cái nhan sắc ẩn diệu, cái chớp sáng phiêu linh mà các thế hệ họa sĩ trước Tô Ngọc Vân không có.
Hai thiếu nữ và em bé lại cho ta cái cảm giác mộng sầu êm ái để từ trong thẳm xa ẩn ức bật ra lời thơ “Người em sầu mộng của muôn đời” mà thi sĩ cõi mộng Lưu Trọng Lư đã viết trong bài Một mùa đông đầy tính nhạc:
Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vương víu nợ thi nhân?
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vương víu nợ thi nhân?
Với Hai thiếu nữ và em bé, Tô Ngọc Vân đã xoá nhòa ranh giới giữa họa và thơ, là dịp để con tim yêu thương lên tiếng, đồng vọng tỏa lan.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Tô Ngọc Vân lãnh trọng trách chèo chống con thuyền mỹ thuật Việt Nam tiến lên phía trước. Trong buổi đầu gây dựng cơ sở với biết bao khó khăn, thách thức nhưng bằng lòng đam mê, sự nhiệt thành năng động của một nhà tổ chức kiến tạo có tài và nhân cách, dám cháy hết mình cho nghệ thuật, cho dân tộc, mọi chuyện đã dần dần đi vào ổn định. Năm 1946, ông cùng họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim được phép vào Phủ Chủ tịch vẽ Bác Hồ, để rồi năm 1951, bức khắc gỗ Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ ra đời, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường nghệ thuật của Tô Ngọc Vân. Thay vì hình sắc lộng lẫy, óng chuốt ngày nào, giờ hình sắc Tô Ngọc Vân đã đổi mới: Những nét khắc gỗ chắc, khỏe, mộc mạc khiến Bác Hồ hiện lên không chỉ bằng ngoại hình mà cả tính cách của Người.
Ta lại bắt gặp người nghệ sĩ nhanh nhẹn, vui tính Tô Ngọc Vân sát cánh cùng anh em văn nghệ trên những nẻo đường Việt Bắc. Sống gắn bó, trải lòng giữa nhân quần rộng lớn, đem tài năng, kinh nghệm góp phần phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Những bài giảng của Tô Ngọc Vân trong khóa Mỹ thuật kháng chiến là những bài học nhập môn có chất lượng rất cao, và mang một ý nghĩa khai mở lớn. Bên cạnh đó là hàng tập ký họa tươi ánh về những con người bình dị, chất phác đã hòa quyện trong xúc cảm của một tâm hồn trong sáng, đôn hậu: Bủ Đường bế con đi học, Hành quân qua suối, Nghỉ giữa rừng, Hành quân qua đèo… Mặc dù mới chỉ là tranh ký họa nhưng rất có giá trị về mặt nghệ thuật: Đường nét linh động, chắc nịch, tiết tấu rộn ràng, thần thái các nhân vật được thâu tóm, diễn đạt theo lối dân gian cách điệu mà vẫn đẫm chất tài hoa, mẫu mực Tô Ngọc Vân. Không những thế, Tô Ngọc Vân còn là người đặt nền móng cho ngành lý luận phê bình mỹ thuật ở nước ta. Hãy nghe ông luận giải về chất liệu mới sơn mài – một chất liệu hoàn toàn do người Việt Nam sáng tạo nên – trong bài thuyết trình trước Hội nghị văn hoá toàn quốc, diễn ra vào ngày 19 tháng 7 năm 1948:
“… Sơn ta có sắc phẩm, có phẩm chất đủ năng lực để làm tan các mâu thuẫn giữa hình, sắc, chất, mâu thuẫn đã có từ non một thế kỷ. Sơn mài, một ngành hội họa mới do tay người Việt Nam dựng lên, sẽ đem lại cho thế giới hội họa hình, sắc, chất đang mong đợi và sự điều hòa những khuynh hướng trái ngược nhau…”.Tuy cách đánh giá có phần thái quá nhưng không ai không nhận ra đằng sau những lời hồ hởi chân thành ấy một tình yêu bao la đối với tiền đồ nghệ thuật dân tộc mà cả đời ông mong mỏi khôn nguôi, muốn đạt đến địa vị trọng yếu trên mặt bằng chung mỹ thuật thế giới.
Tô Ngọc Vân bám sát hiện thực, có ý thức phục vụ thời cuộc, nhưng không vì thế mà hạ thấp tiêu chí thẩm mỹ, như quan điểm đã bộc lộ trong bài viết: Tranh tuyên truyền và hội hoạ, tranh luận với giáo sư Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân đã nói rất trung thực: Đứng trước đòi hỏi cấp thiết của sự nghiệp giải phóng dân tộc, các nghệ sĩ phải dám lăn vào lửa, phải biết làm nghệ thuật cách mạng và làm giỏi, nhưng trong lâu dài, nếu muốn thành một người thực sự sáng tạo thì phải nhìn xa hơn cái sứ mệnh mà mình đã lựa chọn, có thế mới mang lại vẻ vang cho nền nghệ thuật nước nhà.
Có nghệ thuật tuyên truyền nhưng cũng có nghệ thuật theo đuổi cái đẹp. Một họa sĩ chỉ dừng lại ở nghệ thuật tuyên truyền cũng giống như một anh chàng kỵ sĩ an tâm một đời dắt ngựa chứ không chịu nhảy lên ngồi trên lưng ngựa phóng tới phía trước. Từ cách chọn đề tài đến cái tứ gửi gắm ở mỗi bức tranh, cho đến đường nét, màu sắc Tô Ngọc Vân đều hướng tới cái đẹp bền vững, không ăn xổi, nông cạn như một số hoạ sĩ đương thời.
Người nghệ sĩ đầy nhân cách và tài năng hết lòng vì nghệ thuật, vì dân tộc ấy đã ngã xuống trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đấy là một tổn thất lớn của nền mỹ thuật Việt Nam. Nhưng một lẽ khác, cái chết ấy lại là một niềm tự hào của chúng ta: Tô Ngọc Vân chết vì đất nước và cũng chết cho nghệ thuật được sống. Ngày nay tìm đến hội họa Tô Ngọc Vân là tìm đến với vẻ đẹp mới, bình an, tĩnh tại của một tâm thức duy mỹ trong dòng đời sinh hoá mà chính bản thân ông đã sống, trải nghiệm và hiến dâng.
Trịnh Chu
Nguồn: Tạp chí Non nước - Số 165 (Tháng 4/2011) báo Ngày nay – số 3, ra ngày 20 tháng 2 năm 1935
Báo Phụ nữ tân văn - số 71, ra ngày 25 tháng 9 năm 1930
0 comments: