Số phận những kiệt tác của Hội họa Việt Nam

Số phận những kiệt tác của Hội họa Việt Nam

HOÀNG ĐĂNG

Thiếu nữ bên hoa huệ, Chơi ô ăn quan… đều có những phiên bản từng được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong khi đó, bức tranh gốc lại có số phận chìm nổi gắn với biết bao biến thiên, thăng trầm của thời cuộc…


Hành trình lưu lạc…



Thiếu nữ bên hoa huệ được họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906 – 1954) vẽ năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngoài bút pháp điêu luyện trong sử dụng màu, bố cục, Thiếu nữ bên hoa huệ được vẽ bằng dao (cuto). Từng nét dao khéo léo làm nên vẻ mềm mỏng thanh thoát ở tà áo dài, cái mềm mại gợi cảm ở đường cong trên đùi thiếu nữ và nhất là cách dùng dao gạt bớt lớp sơn phía trên để lộ ra lớp sơn hồng bên dưới tạo nên sắc ửng hồng trên má thiếu nữ…

Thiếu nữ bên hoa huệ - 1943 - Tô Ngọc Vân




Được triển lãm lần đầu tại Hà Nội với nhóm Farta cùng Thiếu nữ với hoa sen, Hai thiếu nữ và em bé, Thiếu nữ bên hoa huệ đã được nhiều người chú ý. Năm 1944, Thiếu nữ bên hoa huệ được trưng bày tại Hội Mỹ thuật nghệ sĩ Việt Nam. Năm 1945, nó được triển lãm tại Nhà Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội) cùng với tranh của Nguyễn Đỗ Cung, Lê Văn Đệ… và Bác Hồ đã đến xem triển lãm này. Tại triển lãm, hai người Nhật ngỏ lời mua bức tranh nhưng tác giả không bán. Năm 1946, khi rời Hà Nội đi tản cư, họa sĩ Tô Ngọc Vân để lại Thiếu nữ bên hoa huệ cùng nhiều tác phẩm vẽ trước cách mạng ở xưởng vẽ Yết Kiêu, Hà Nội. Ông hy sinh ở đèo Lũng Lô, trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).

Rất tiếc, cùng với Thiếu nữ bên hoa huệ, nhiều tác phẩm của danh họa để lại đã bị phân tán. Một người thân trong gia đình xin khá nhiều tranh của ông đem về nhà treo để “thắp hương tưởng nhớ” họa sĩ, nhưng lại đem bán cho nhà sưu tập Đức Minh. Sau này, gia đình mới biết, Thiếu nữ bên hoa huệ bán với giá 40 vạn tiền Đông Dương.

Bốn năm sau ngày ông hy sinh, năm 1958, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (BTMTVN) đã mượn bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ từ bộ sưu tập của nhà sưu tập Đức Minh để cùng với một số tranh khác tham gia “Triển lãm mỹ thuật 12 nước xã hội chủ nghĩa” tổ chức tại Liên Xô, Hungary, Ba Lan, Rumani… Thiếu nữ bên hoa huệ lần đầu tiên “xuất ngoại” cùng với 3 bức tranh sáng tác trước cách mạng và nhiều ký họa vừa sáng tác của ông. Báo chí của các nước ca ngợi Tô Ngọc Vân như một hiện tượng của hội họa Việt Nam. Thiếu nữ bên hoa huệ được chọn làm vựng tập phòng tranh tại Liên Xô (cũ).

Sau khi triển lãm kết thúc, BTMTVN có nhờ họa sĩ Nguyễn Văn Thiện chép lại bức tranh này và treo ở BTMTVN nhưng không ghi chú là tranh chép.

Chơi ô ăn quan của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892 – 1984) cũng có số phận không kém phần long đong. Năm 1931, trong Triển lãm Thuộc địa ở Paris, lần đầu tiên xuất hiện những bức tranh lụa của Việt Nam: Chơi ô ăn quan; Lên đồng; Cô gái rửa rau; Em cho chim ăn. Bốn bức tranh này đã được in trang trọng trên báo L’Illustrations số Noel năm 1932.

Chơi ô ăn quan - 1931 - Nguyễn Phan Chánh


Năm 1938, Chơi ô ăn quan cùng với 13 bức tranh lụa sang Nhật triển lãm, vì loạn lạc nên tưởng không còn tung tích. Mãi đến năm 1953, ông Đức Minh sang Paris, trong một lần đi dạo cửa hàng đồ cũ, ông trông thấy một bức tranh đề xuất xứ Việt Nam. Ông mua bức tranh về và trở thành chủ nhân của tác phẩm nổi tiếng này một cách tình cờ như vậy.

Có giai thoại, cụ Chánh đã vái sống nhà sưu tập Đức Minh vì đời ông có tác phẩm nổi tiếng nhờ được ông Minh “cứu sống”. Sinh thời, cụ Nguyễn Phan Chánh đã nói cho ông Tô Ngọc Thành biết, đường rách từ trên xuống dưới phía cô đang ngồi rải quan chính là bức tranh Chơi ô ăn quan đầu tiên ông vẽ nằm trong bộ sưu tập của Đức Minh. Hai bức nữa, một bức do chính cụ Nguyễn Phan Chánh vẽ theo đề nghị của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện đang được lưu giữ tại đây và một bức ở bảo tàng Fukuoka (Nhật)…


… gắn liền với những nhà sưu tập tranh nổi tiếng…


Phòng trưng bày tranh (Gallery) Đức Minh – Bùi Đình Thản nổi tiếng từ hồi Pháp thuộc. Ông Đức Minh (Bùi Đình Thản, 1920 –1983) là một trong những nhà sưu tập hội họa lớn. Năm 23, tuổi ông bắt đầu chơi tranh, để lại cho đời hơn 1.000 tác phẩm của 50 danh họa Việt Nam với nhiều tên tuổi bậc thầy trong làng hội họa như: Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… Vốn là một thương gia nổi tiếng ở Hà Nội, ông giao du rộng với các họa sĩ, và sớm có ý thức sưu tập tranh.

Những năm 1960, khi các họa sĩ nổi tiếng có cuộc sống khá chật vật, không đủ màu để vẽ thì ông Đức Minh bỏ tiền ra mua tranh. Nhiều bức được vẽ tại chỗ, bên bàn cà phê và chưa kịp ký tên. Ông sưu tập tranh đúng nghĩa của một nhà sưu tập, vì chưa bao giờ ông bán một bức nào.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, con trai của Tô Ngọc Vân là hoạ sĩ Tô Ngọc Thành vừa đi học mỹ thuật ở Nga về, được ông Đức Minh mời đến nhà chơi và giới thiệu một số bức tranh của ông cụ thân sinh mà lúc đó ông Minh đã trở thành chủ sở hữu. Ông Minh kể cho ông Thành về không ít phiền toái khi giữ những bức tranh quý. Mỗi khi có khách đến xem, nhất là cánh phóng viên, ông lại lễ mễ leo lên gác. Tranh được cất kỹ, chủ nhà phải lau chùi cẩn thận để các nhà báo chụp ảnh, rồi trà nước, hầu chuyện suốt cả buổi… Ban đầu, ông còn thấy hứng thú, sau thấy quá phiền nhiễu.

Năm 1965, ông Đức Minh đề nghị nhượng toàn bộ số tranh, trong đó có cả Thiếu nữ bên hoa huệChơi ô ăn quan cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ với điều kiện: lập một gian trưng bày riêng, nói rõ xuất xứ tranh của nhà sưu tập Đức Minh tặng bảo tàng. Bảo tàng không nhận vì thời đó còn quan niệm, tranh là tài sản của nhà tư sản.

Sau đó, ông Đức Minh vào TP.HCM và mất năm 1983. Ngôi biệt thự bên hồ Thuyền Quang (Hà Nội) với phòng tranh nổi tiếng đã được bán, thay vào đó là một cao ốc. Bộ tranh quý trở thành tài sản thừa kế, được chia cho các con ông. Có người giữ được, nhưng cũng không ít người đem bán với giá dễ mua. Nhà sưu tập Hà Thúc Cần, Việt kiều ở Hồng Kông về nước và mua được khá nhiều tranh, trong đó hầu hết là tranh quý.

Ông Tô Ngọc Thành xác nhận, Thiếu nữ bên hoa huệ được bán với giá 16.000 USD và Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh, giá 18.000 USD. Giải thích về việc chênh lệch giá giữa hai tác phẩm này, ông Thành nói: “Ban đầu, một người nước ngoài đồng ý mua Thiếu nữ bên hoa huệ với giá 18.000 USD, nhưng sau không hiểu lý do gì không thấy người này quay lại, và ông Hà Thúc Cần mua với giá ông đã trả là 16.000 USD, còn Chơi ô ăn quan, ông đã mua đấu giá 18.000 USD.

Ông Thành cho biết, khi nhận được tin về việc bức tranh nổi tiếng của bố mình sẽ bán theo hình thức đấu giá nội bộ, lo sợ bức tranh bị đưa ra nước ngoài, ông đã báo cho các cấp quản lý có liên quan nhưng không nhận được hồi âm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lúc đó, nếu mua cũng chỉ với giá cao nhất theo khung quy định là 2.000 USD. Thế là cả hai tác phẩm lọt ra nước ngoài rất êm xuôi, trong khi có quy định nghiêm cấm về việc này. Ông Thành kể lại, ông Hà Thúc Cần nhờ chép y hệt bức Thiếu nữ bên hoa huệChơi ô ăn quan rồi thuê một cơ quan trong ngành mỹ thuật ở Hà Nội xin giấy phép. Đến sân bay, ông Cần vứt tranh giả và ung dung đưa tranh thật sang Hồng Kông. Trong cuốn 100 năm mỹ thuật đương đại Việt Nam do gallery Đông Sơn của ông Hà Thúc Cần ấn hành tại Singapore có in ảnh bức Thiếu nữ bên hoa huệ.

Năm 2003, có tin ông Hà Thúc Cần mất, con trai ông đã bán lại bức Thiếu nữ bên hoa huệ với giá 75.000 USD. Còn hoạ sĩ Tô Ngọc Thành lại cho rằng, một chủ phòng tranh ở đường Hàng Gai (Hà Nội), cũng là người buôn tranh nổi tiếng, có nhiều bạn hàng và quan hệ rộng với các phòng tranh trên thế giới, đã mua được cả hai bức tranh quý này với giá mỗi bức 200.000 USD.

Có một điều lạ kỳ xuyên suốt trong cuộc “chu du” của hai bức tranh là chủ sở hữu của chúng chưa bao giờ là người nước ngoài, dù cơ hội có được bức tranh luôn chia đều cho tất cả mọi người. Dường như đó cũng là ý nguyện của các danh họa. Mong sao các bức tranh không bị cảnh nằm im trong kho lưu trữ của ai đó mà sớm được bước ra ánh sáng để công chúng lại có dịp thưởng ngoạn những di sản văn hóa này!

HOÀNG ĐĂNG


Nguồn: Tạp chí điện tử Hồn Việt - 11 Tháng Tám 2009 7:00 SA