Nhìn lại xã hội Việt Nam qua các bức ký họa của Tô Ngọc Vân

TẠP CHÍ VĂN HÓA


Nhìn lại xã hội Việt Nam qua các bức ký họa của Tô Ngọc Vân

Lê Hải

Trong lịch sử mỹ thuật thế giới có khá nhiều họa sĩ được gắn liền tên tuổi của mình với một giai đoạn lịch sử nhất định cho một dân tộc. Tạp chí văn hóa tuần này sẽ dành trọn thời gian cho Tô Ngọc Vân, nhân vật không chỉ là một họa sĩ nổi tiếng mà còn là người đào tạo ra một thế hệ họa sĩ kháng chiến phục vụ công tác tuyên truyền cho miền Bắc Việt Nam trong nửa sau của thế kỷ 20.

Nửa đầu của thế kỷ XX là một giai đoạn đầy biến động nhưng đánh dấu sự trưởng thành của giới trí thức Việt Nam, mà trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội giữ một vai trò vô cùng quan trọng, như trong hồi ký của Phạm Duy. Con đường chính trị đã đưa các học trò của trường mỗi người một ngả, mà sau này Tô Ngọc Vân trở thành người đại diện cho một nền mỹ thuật kháng chiến. Theo như nhận xét của chuyên gia mỹ thuật Nguyễn Quân, các ký họa của Tô Ngọc Vân là bài học kinh điển cho phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch hội mỹ thuật Việt Nam là Giáo sư Trần Khánh Chương điểm lại những đỉnh cao của Tô Ngọc Vân trong một chương trình truyền hình của tỉnh Hưng Yên để ca ngợi các nhân sĩ địa phương:

« Một trong số ba họa sĩ đầu tiên được vào gặp và vẽ bác Hồ vào năm 1946 là Tô Ngọc Vân. Sau này thành bức tranh sơn dầu và khắc gỗ tên là « Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ Phủ » nổi tiếng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông bắt đầu có chuyển biến về mặt tư tưởng qua việc sống cùng với dân, sống cùng với kháng chiến cho một lý tưởng giải phóng đất nước, thoát khỏi ách nô lệ. Thời đó, ông sáng tác không nhiều nhưng đặc biệt là loạt ký họa về quân đội và cải cách ruộng đất. Toàn bộ ký họa được trưng bày tại cuộc triển lãm năm 1954 và mang lại cho tác giả giải thưởng đặc biệt. »


Bộ sưu tập các ký họa của Tô Ngọc Vân đã được triệu phú người Thái Lan Tira Vanichtheeranont mua lại và mới gần đây xuất bản thành sách. Ông Tira là nhân vật nổi tiếng trong giới chơi tranh trên thế giới vì các bộ sưu tập tranh Việt Nam và là chủ phòng tranh 333 ở Bangkok. Ông trình bày trong phần giới thiệu sách, mà theo kế hoạch đang được tái bản ở dạng rút gọn cho sinh viên mỹ thuật Việt Nam trong năm 2016:

« Tôi còn nhớ quyển sách giới thiệu sưu tập của tôi có nói đến ba bức vẽ của Tô Ngọc Vân nằm trong bộ sưu tập của họa sĩ Phan Kế An, nhưng hỏi mua thì ông từ chối và giải thích đó là những bảo vật quốc gia, thậm chí còn là bảo vật từ thầy giáo của ông. Vì là những tác phẩm vô giá nên không thể bán.

Sau đó tôi bắt đầu nung nấu ước mơ sưu tập các sáng tác của Tô Ngọc Vân, và khi được tin thì bay ngay sang Sài Gòn vào hôm sau để gặp con trai ông là Tô Ngọc Thành để xem các bức ký họa của Tô Ngọc Vân. Nhờ vào hai chuyên gia trong ngành là ông Phan Cẩm Thượng và tiến sĩ Nora Taylor nên sau vài tháng thương thảo tôi đã mua được toàn bộ bộ sưu tập với điều kiện phải xuất bản quyển sách giới thiệu toàn bộ bộ tranh như một cử chỉ tưởng niệm và tôn vinh người họa sĩ tài năng của Việt Nam, và cũng là để quảng bá tên tuổi của họa sĩ tới các thế hệ trẻ sau này và trên toàn thế giới. »
Đúng như vậy. Một điều khiến cho hội họa Việt Nam, mà chính xác hơn là các họa sĩ miền Bắc, không vượt hẳn ra khỏi không gian quốc gia hay Đông Nam Á là vì thiếu các ấn bản có giá trị để giới thiệu. Còn các họa sĩ miền Nam, nhờ những nhà nghiên cứu giỏi như tiến sĩ Huỳnh Bội Trân mà đặc biệt nhất là quyển sách của Huỳnh Hữu Ủy do Vaala xuất bản ở California, mà được giới chuyên môn và dân chơi tranh trên thế giới biết đến và đầu tư sưu tập.

Việc đầu tư một cách có hệ thống và rất cơ bản vào mỹ thuật Việt Nam của triệu phú người Thái Lan đã góp phần làm tăng giá trị cho ngành tranh Việt Nam, mà cụ thể là Tô Ngọc Vân. Cô Lý Bích Ngọc là một giám tuyển trẻ ở Sài Gòn, cũng chính là người đã mai mối cho bộ sưu tập này, giải thích thêm về giá trị của việc xuất bản sách:

Giám tuyển Lý Bích Ngọc, ông Phạm Bình Minh và nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont tại phòng tranh 333.
RFI/Lê Hải

« Tôi nhận thức được giá trị của bộ tranh, cũng như sự quan trọng của việc giữ các tác phẩm này theo hệ thống. Bộ sưu tập này có giá trị không thua kém so với bất kỳ sưu tập nào khác, kể cả sưu tập của các bảo tàng mỹ thuật, về nội dung phong phú, cũng như qui mô hệ thống. Chúng ta từng thấy rất nhiều tác phẩm lớn lấp lánh trong các cuộc đấu giá quốc tế và các bộ sưu tập tư nhân nổi tiếng, nhưng chưa có một nhà sưu tập nào công bố một hệ thống tập hợp các tác phẩm một cách xuyên suốt như thế.

Bộ tranh ký họa này cho người xem một cái nhìn mạch lạc về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân từ những năm tháng đầu tiên tiếp xúc với mỹ thuật chuyên nghiệp khi là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1925 cho đến khi qua đời tại Điện Biên Phủ vào năm 1954. Trong bộ tranh này chúng ta cũng thấy thấp thoáng những phác họa nghiên cứu của họa sĩ khi tìm kiếm chất liệu cho những tác phẩm lớn của ông.

Cá nhân tôi tiếp xúc nghiên cứu bộ tranh này theo hai cách vô cùng thú vị. Đầu tiên tôi theo dõi câu chuyện mỹ thuật của họa sĩ theo thời gian ông ghi chú trên tranh. Đó cũng là câu chuyện kể về cuộc đời ông và đất nước trong những năm tháng chiến tranh, minh họa cho phong trào kháng chiến và cuộc cách mạng chống thực dân với những ký họa thực hiện ngay trên tiền tuyến, hay trong làng quê Việt Nam những ngày đầu đổi mới. Có nhiều câu chuyện và chi tiết mà chúng ta không thể tìm thấy trong các tư liệu khác, vì thời kỳ ký ức xa xôi đó không có ảnh chụp, chỉ có các họa sĩ vừa làm công việc ký họa vừa là chứng nhân lịch sử của dân tộc.

Tôi cũng nghiên cứu các tác phẩm của ông theo từng chủ đề, mà các chủ đề sáng tác và làm việc của ông vô cùng phong phú. Tranh của Tô Ngọc Vân không chỉ thể hiện những vẻ đẹp mỹ thuật, mà còn mang sứ mệnh vun đắp lý tưởng yêu nước cao đẹp.

Đây là một tư liệu nghiên cứu giáo dục vô cùng quí giá về phương pháp, phong cách làm việc của một bậc thầy hội họa hiện đại Việt Nam - thế hệ họa sĩ quan trọng nhất của lịch sử mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Trong năm 2016 phòng tranh 333 sẽ tái bản cuốn sách này với phiên bản rút gọn hơn dành cho sinh viên nghiên cứu và công chúng hâm mộ mỹ thuật. »

Tô Ngọc Vân, người tạo ra một thế hệ họa sĩ mới mang bản sắc dân tộc




Trong quyển sách được xuất bản từ luận văn tiến sĩ về các họa sĩ ở Hà Nội, giáo sư người Mỹ Nora Taylor nhận định Tô Ngọc Vân là người đã tạo ra một thế hệ các họa sĩ mới mang bản sắc dân tộc, mà nếu hiểu theo cách diễn giải của sử gia Mác-xít Eric Hobsbawm thì chính họ là những người tạo ra một truyền thống mới cho dân tộc Việt Nam.

Tù binh Pháp.
BST Tira Vanichtheeranont


Tô Ngọc Vân là người đã phát động truyền thống mỹ thuật “kháng chiến hóa văn hóa - văn hóa hóa kháng chiến”. Ông đã vận động sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương đi kháng chiến, lên mở trường Mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc vào năm 1946, triệt để đi theo đường lối của Hồ Chí Minh để tiêu diệt ba kẻ thù lớn là “giặc đói, giặc dốt và đế quốc”. Tư tưởng của Tô Ngọc Vân trở thành kim chỉ nam cho rất nhiều thế hệ họa sĩ và cán bộ văn hóa sau này, tiếp tục kéo dài cho đến tận bây giờ.

Nhưng thực sự giới chuyên gia không thể trả lời được câu hỏi rằng nếu Tô Ngọc Vân không bị chết vì bom đạn vào năm 1954 thì những năm tháng tiếp theo của ông sẽ ra sao, giống hay khác thế nào so với những nhân vật như Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng hay Bùi Xuân Phái. Nhưng có lẽ đó lại là điều may cho các nhà nghiên cứu xã hội Việt Nam, bởi vì các sáng tác của Tô Ngọc Vân dừng lại đúng ở chỗ đó và ghi lại một cách chính xác nhất những gì mà người họa sĩ tài giỏi đã kịp ghi lại từ một giai đoạn vô cùng biến động và quan trọng của lịch sử Việt Nam.

Tinh thần kháng chiến nhanh chóng lan rộng khắp Việt Nam, với không khí chiến thắng và quyết chiến thắng khắp mọi nơi. Thế nhưng những bức ký họa của Tô Ngọc Vân thì lại không như vậy. Các nhân vật trong tranh đều suy tư suy nghĩ mà Tô Ngọc Vân không phải giải trình, như Dương Bích Liên, khi nộp tác phẩm triển lãm dám vẽ người lính nhắm mắt suy tư khi nghe Hồ Chí Minh nói chuyện.

Những người tù binh Pháp mà Tô Ngọc Vân gặp trong trại như muốn chia sẻ với ông điều gì đó. Việc ông phải sửa lại những bức tranh cổ động trong Đại hội Văn hóa-Văn nghệ toàn quốc năm 1951 chắc chắn đã khiến con người họa sĩ của Tô Ngọc Vân phải suy nghĩ rất nhiều. Ông đã nghĩ gì về số phận của họ, thoát chết nhưng chưa biết tương lai ra sao, hay cảm nhận gì về nỗi buồn của kẻ thất trận, và nhất là trăn trở ra sao về cuộc đời của một con người ở phía bên này và bên kia chiến tuyến?

Dáng điệu của một con người đang suy tư và lo lắng cho tương lai, bất kể màu da và quan điểm chính trị, càng hiện rõ hơn trong một bức ký họa được chọn đăng vào cuối pho sách giới thiệu bộ sưu tập này, vẽ sau ngày Nguyễn Đình Thi đến nói chuyện với sinh viên mỹ thuật vào năm 1951. Bức vẽ một nhân vật đeo kính, chống cằm chăm chú ngồi nghe phát biểu, trong giai đoạn các cuộc chỉnh huấn chỉnh quân đang đi đến thời điểm căng thẳng, làm cho nhiều người rất mất tinh thần, đặc biệt phải công khai từ bỏ thành phần giai cấp của mình, nếu trước đó không phải là công nhân hay nông dân đi theo cách mạng.

Các tác phẩm văn nghệ kháng chiến theo chủ trương của thế hệ đi trước như Tô Ngọc Vân đề cao tinh thần lạc quan cách mạng. Vậy mà ký họa của ông trong giai đoạn cải cách ruộng đất đầu ưu tư.

Địa chủ Đỗ Văn Hiện ở Ninh Dân bị gọi là thằng, với những ký họa nhà cao cửa rộng và phân xưởng chế biến chè để tố cáo sự giàu có, nhưng chủ nhân được đặc tả tâm trạng sợ hãi cùng cực trên mặt, như là đang nhìn thấu cái sự việc sắp xảy ra. Phải chăng Tô Ngọc Vân cũng nhìn thấu được sự việc gì đó sắp xảy ra?

Địa chủ Tọa và ba địa chủ Viên, Doãn, Nguyên (23.9.1953) bút sắt và màu nước trên giấy 21x24cm.
BST Tira Vanichtheeranont


Bức tranh số 281 được chuyên gia Phan Cẩm Thượng đánh giá Tô Ngọc Vân là người hiếm có biểu đạt được tâm trạng của những người bị xử lý trong Cải cách ruộng đất. Bức tranh vẽ bốn vị địa chủ ở Ninh Dân được mời lên họp trước cuộc đấu tố, cùng được nghe thuyết trình về chính sách của nhà nước, nhưng mỗi người biểu lộ một thái độ khác nhau. Tất cả đều rất buồn và lo lắng, còn địa chủ Tọa được đặc tả ngồi xổm ở gian ngoài, thể hiện một tâm trạng thất vọng thực sự.

Địa chủ Ma Văn Xế trước ban thờ tự, xã Kíên Thiết (22.10.1953) bút sắt và chì than trên giấy 21x23,5cm.
BST Tira Vanichtheeranont


Hay như bức số 293, vẽ địa chủ Ma Văn Xế ở Phú Thọ, mô tả ông địa chủ ngồi trước ban thờ tổ tiên của mình, nét mặt nhiều ưu tư, nhưng có vẻ cố gắng dồn nghị lực đi qua kiếp nạn sắp tới, đến mức có thể chết người.

Tác giả công trình nghiên cứu đánh giá Tô Ngọc Vân là một họa sĩ hiện thực tinh tế, đang thầm lặng diễn tả một con người trước cái chết, giống như một nhà văn phân tích tâm lý. Con người nhân văn nghệ sĩ trong ông đã nhận ra sự thực của cuộc sống mà chính ông đang dằn vặt trải qua. Đúng như tên gọi của tác phẩm do Nhà xuất bản Tri Thức phát hành, các tác phẩm của Tô Ngọc Vân với lời giới thiệu của Phan Cẩm Thượng thực sự là “Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam” trong một giai đoạn quan trọng của thế kỷ XX. Điều đó sẽ đủ để xếp ông vào ngang hàng với danh họa Francisco Goya của Tây Ban Nha, nhưng có lẽ còn cần thêm nhiều thời gian và công trình nghiên cứu nối tiếp.

Nguồn: RFI - Phát Thứ Sáu, ngày 15 tháng 1 năm 2016.