Họa sĩ Tô Ngọc Vân | 1908 - 1954 - Phạm Phúc vietnamarts
08:30:00Họa sĩ Tô Ngọc Vân | 1908 - 1954
Phạm Phúc vietnamarts
Tài năng của Tô Ngọc Vân được đánh giá cao ngay từ thời thuộc Pháp, mà ví dụ tiêu biểu là việc ông đoạt Huy chương Vàng ở Triển lãm thuộc địa Paris năm 1931. Sau Cách mạng Tháng Tám, uy tín của ông càng lên cao với việc ông được chính thể mới tin tưởng giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Sau đây là một số mẩu chuyện liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông...
Bức họa " Thiếu nữ bên hoa huệ" của Họa sĩ Tô Ngọc Vân
Số phận long đong của "Thiếu nữ bên hoa huệ"
Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" được Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nguyên mẫu của bức tranh là cô Sáu, người từng nhiều lần xuất hiện trong tác phẩm của Tô Ngọc Vân, trong đó có bức "Thiếu nữ với hoa sen". Không chỉ "hợp tác" với Tô Ngọc Vân, cô Sáu còn là người mẫu cho nhiều họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị...
"Thiếu nữ bên hoa huệ" mô tả cảnh một thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu một cách đầy duyên dáng, khơi gợi... về phía lọ hoa huệ trắng. Hình dáng cô gái kết hợp với những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành một hình khối giản dị, toát lên một nét buồn dịu nhẹ. Những bông huệ cắm trong lọ bên cô gái không phải là loại hoa huệ bông nhỏ mà ta thường dùng trong các ngày rằm mà là hoa huệ tây (được gọi phổ biến dưới cái tên hoa loa kèn). Điều này lý giải cho câu hỏi: Vì sao bức tranh rành rành tên gọi "Thiếu nữ bên hoa huệ" song những bông hoa trong bình lại là hoa… loa kèn.
Với bố cục chặt chẽ, hoàn hảo, cách sử dụng màu điêu luyện, "Thiếu nữ bên hoa huệ" đã thể hiện được cái mềm mại gợi cảm ở đường cong trên đùi thiếu nữ và nhất là cách dùng dao gạt bớt lớp sơn phía trên để lộ ra lớp sơn hồng bên dưới tạo nên sắc ửng hồng trên má thiếu nữ… Ngay trong lần triển lãm đầu tiên tại Hà Nội, bức họa đã được nhiều người chú ý. Năm 1945, "Thiếu nữ bên hoa huệ" được trưng bày tại Nhà Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội) cùng với tranh của Nguyễn Đỗ Cung, Lê Văn Đệ… Bác Hồ đã đến xem triển lãm này. Tại triển lãm, đã có hai người khách Nhật Bản ngỏ lời mua bức tranh, nhưng tác giả từ chối không bán.
Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" quả là có số phận của một "hồng nhan đa truân". Theo GS-TS Tô Ngọc Thanh, trưởng nam của họa sĩ Tô Ngọc Vân kể lại thì: "Khi gia đình đi kháng chiến, bức tranh được để lại trong nhà chúng tôi ở ngõ Trại Khách, phố Khâm Thiên, nay là ngõ Thổ Quan. Đến khi hòa bình trở về Hà Nội thì nó đã trở thành sở hữu của nhà sưu tập nổi tiếng Đức Minh. Ông Đức Minh nói là ông mua lại bức tranh từ một người khác".
Bốn năm sau ngày tác giả bức vẽ hy sinh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mượn "Thiếu nữ bên hoa huệ" từ bộ sưu tập của nhà sưu tập Đức Minh để đưa đi tham gia "Triển lãm mỹ thuật 12 nước XHCN" tổ chức tại Liên Xô, Hungary, Ba Lan, Rumani… Đây là lần đầu tiên "Thiếu nữ bên hoa huệ" được "xuất ngoại". Ngay lập tức, Tô Ngọc Vân được báo chí của những nước này ca ngợi như một hiện tượng của hội họa Việt Nam.
Sau khi triển lãm kết thúc, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có nhờ họa sĩ Nguyễn Văn Thiện chép lại bức tranh và treo ở đây, nhưng không ghi chú là tranh chép. Sau năm 1990, phiên bản này mới được gỡ bỏ bởi nỗ lực chỉ treo tranh bản chính của bảo tàng.
Theo một tài liệu thì năm 1965, nhà sưu tập Đức Minh có nhã ý nhượng toàn bộ số tranh, trong đó có "Thiếu nữ bên hoa huệ" cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ với điều kiện: Lập một gian trưng bày riêng, ghi rõ xuất xứ tranh của nhà sưu tập Đức Minh tặng bảo tàng. Hẳn vì quan niệm "không dính líu với tư sản" nên Bảo tàng đã từ chối đề nghị này.
Sau khi ông Đức Minh tạ thế (vào năm 1983), bộ tranh được chia cho các con ông hưởng quyền thừa kế. Có người giữ được, nhưng cũng có người đem bán.
Họa sĩ Tô Ngọc Thành, con trai thứ của nhà danh họa cho biết: Khi nhận được tin về việc bức tranh nổi tiếng của bố mình sẽ được bán đấu giá, lo sợ bức tranh bị đưa ra nước ngoài, ông đã báo cho các cấp quản lý có liên quan biết, nhưng không thấy ai hồi âm (có lẽ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không dám mua vì theo quy định lúc đó, giá cao nhất dành cho một bức tranh chỉ là 2.000USD). Thế là kiệt tác nghệ thuật này lọt ra nước ngoài... Cũng theo ông Thành, trong cuốn "100 năm mỹ thuật đương đại Việt Nam" do gallery Đông Sơn của ông Hà Thúc Cần ấn hành tại Singapore có in ảnh bức "Thiếu nữ bên hoa huệ". Đây là bức sao chụp từ bản gốc. Còn thì tuyệt đại đa số các bức "Thiếu nữ bên hoa huệ" mà người Việt Nam ta được... chiêm ngưỡng, thưởng thức từ mấy chục năm nay (cả bức in trên logo triển lãm nhân 100 năm sinh Tô Ngọc Vân) cũng chỉ là... tranh chép, trong đó có những phiên bản không đồng nhất.
Hết lòng vì học trò
Trên cương vị là thầy dạy vẽ của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (thời kỳ trước Cách mạng), hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam (thời kỳ sau Cách mạng), họa sĩ Tô Ngọc Vân đã có ảnh hưởng lớn đối với nhiều họa sĩ có tên tuổi của Việt Nam...
Họa sĩ Ngô Mạnh Lân, người từng được họa sĩ Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy sau này có kể lại: "Nói về cách điệu, anh nêu những thí dụ nhỏ, dễ hiểu để chứng minh: giản đơn không có nghĩa là tước bỏ. Khi vẽ một anh bộ đội, ở mặt mũi, quần áo ta đã đơn giản bớt những nét thừa, nhưng cũng rất gần với sự thật, đến khi vẽ chiếc áo trấn thủ ta lại gạch những nét thẳng tắp như ổ quả trám đều đặn, như vậy sẽ không ăn khớp với cái chung, như thể vẽ hàng rào gắn vào người! Ngay những chi tiết nhỏ trong vẽ trang trí cũng được anh giảng giải cẩn thận với nhận xét sâu".
Có một chuyện mà nếu các học trò của Tô Ngọc Vân không nói ra, hẳn ít người biết: Khóa đào tạo hội họa và âm nhạc của chính phủ kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc đến cuối năm 1951 thì hết kinh phí. Trong khi trường nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu làm hiệu trưởng phải giải tán, thì Tô Ngọc Vân, trên cương vị hiệu trưởng trường họa lại có cách giải quyết khác. Ông bàn với vợ, nhà còn mấy cây vàng bán đi để nuôi học trò học tiếp thêm một năm cho trọn khóa...
Không dưng mà khóa học ấy sau này được nhiều người nhắc tới với cái tên gọi đầy yêu thương trìu mến "Khóa hội họa Tô Ngọc Vân".
Người ngã xuống sát ngày đình chiến
Đến nay, nói về cái chết của họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhiều người chỉ biết đại khái là ông hy sinh vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong khi đang vẽ tranh về các chiến sĩ Điện Biên Phủ chiến thắng trở về. Thực tế thì cái chết của nhà danh họa diễn ra thật xót xa, bi tráng. GS-TS Tô Ngọc Thanh, người từng trực tiếp cải táng cha mình đã kể lại: Khi ông đang dạy học ở Bắc Giang thì nhận được tin cha mình bị trúng bom trên đèo Lũng Lô, Yên Bái. Bấy giờ tuy ta đã chiến thắng vang dội tại chiến trường Điện Biên Phủ, song Hiệp định Geneve vẫn chưa được ký nên cuộc chiến, trong thực tế vẫn chưa thể chấm dứt.
Trưa ngày 17/6/1954, họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng đoàn văn nghệ sĩ đi chiến dịch trở về, đang hý hoáy ký họa chân dung một cụ già người Tày trong một căn nhà sàn ở lưng đồi thì một loạt bom nổ dữ dội gần đó đã khiến một hòn đá đập trúng người ông (sau này kiểm điểm lại thì do một toán dân công khi qua đèo đã sơ ý nấu cơm lộ khói khiến máy bay Pháp phát hiện ra, ập đến giội bom). Sau vụ đánh phá này, hơn một trăm dân công chết tại chỗ. Họ được chôn chung một hố. Tô Ngọc Vân được cụ già người Tày chôn riêng bên bờ suối.
Nhận được hung tin, Tô Ngọc Thanh đã hối hả đạp xe vượt hàng trăm cây số đến nơi. Khi ấy, cha ông đã chôn được hơn mười ngày. Phần vì lo mộ cha đặt bên suối, sau này có nguy cơ bị lũ cuốn, phần vì bán tín bán nghi không rõ người dưới mộ có phải cha mình không, Tô Ngọc Thanh đã đau đớn đào mộ lên. Sau khi nhận diện đó đích thực cha mình, ông đã chôn cất cha trên đỉnh một quả đồi gần đó. Một năm sau, cơ quan cho bốc mộ Tô Ngọc Vân, đưa về an táng tại nghĩa trang Hợp Thiện (nằm cạnh đường đi Hà Đông, nay là phố Nguyễn Trãi). An táng chưa được lâu, người ta dọn mặt bằng xây nhà máy, hài cốt nhà danh họa lại được chuyển lên nghĩa trang Mai Dịch, khi đó dùng để mai táng những người hy sinh trong đêm 19/12/1946. Một thời gian sau đó, nghĩa trang Mai Dịch được xây mới, nâng cấp thành nghĩa trang quốc gia, mộ họa sĩ lại được đặt ở chỗ khác trong khu cho hợp với quy hoạch
đốt đuốc đi học của hs tô ngọc vân
(1954, thuốc nước. Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam)
Hai chiến sĩ tranh tô ngọc vân
Làng quê tranh tô ngọc vân
tranh lụa tô ngọc vân
Nguồn: vietnamarts - Phạm Phúc
0 comments: