Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

Danh họa Tô Ngọc Vân - Video

Danh họa Tô Ngọc Vân



Truyền hình Hưng Yên - HYTV
07 thg 02, 2022


0 comments:

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

Những bức tranh làm thay đổi lịch sử mỹ thuật Việt Nam

Những bức tranh làm thay đổi lịch sử mỹ thuật Việt Nam

Trang Thanh Hiền

Thế hệ họa sĩ đầu tiên cùng những tìm tòi sáng tạo đã vượt lên cùng những tác phẩm bất hủ ghi nhận những dấu ấn không thể phai mờ bằng những tác phẩm để đời.



Năm 1925, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập đã góp phần khai sinh ra nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam đầy riêng biệt và đặc sắc. Đóng góp vào lịch sử mỹ thuật là thế hệ họa sĩ đầu tiên cùng những tìm tòi sáng tạo không mệt mỏi. Họ tự thách thức bản thân và vượt lên cùng những tác phẩm bất hủ ghi nhận những dấu ấn không thể phai mờ bằng những tác phẩm để đời.

Tác phẩm “Thiếu nữ bên Hoa Huệ” của Tô Ngọc Vân.


Tác phẩm đầu tiên phải kể đến có lẽ là tác phẩm Thiếu nữ bên hoa Huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Đây cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của mỹ thuật Việt Nam cận đại bởi cách thức tạo hình. Bức tranh có thể xem là một dấu ấn về sự tiếp nhận ảnh hưởng của hội họa Ấn tượng Pháp vào nghệ thuật Việt Nam.

Bằng việc vẽ những lớp sơn dầu mỏng tang, cô thiếu nữ tầm tuổi đôi mươi trong tà áo dài trắng, trầm tư bên những cánh hoa huệ tây, như hiện lên cùng sự trong trẻo của tâm hồn. Sự tài tình của bức tranh chính là việc họa sĩ tạo ra một đường cong khép kín giữa bông hoa và hai cánh tay, khiến cho khuôn mặt của cô gái trở thành trọng tâm của khuôn hình. Ở đó, sắc đỏ duy nhất ửng lên gò má, đôi môi làm bức tranh càng trở nên quyến rũ.

Có thể nói sự ảnh hưởng của hội họa Ấn tượng ở đây không phải là bút pháp mà chính là việc ông khắc họa thời khắc và sự khái quát của những mảng màu mà gam chủ đạo lại là trắng. Trắng trên sắc áo, trắng trên cánh hoa và thậm chí cả chiếc bình bát tràng với đầy đủ tiết tấu màu.

Tác phẩm "Gội đầu" của họa sĩ Trần Văn Cẩn.


Nếu Thiếu nữ bên hoa Huệ của Tô Ngọc Vân được xem là một tác phẩm xuất sắc ghi nhận sự tiếp thu hội họa Pháp cũng như chất liệu sơn dầu của họa sĩ Việt mà vẫn tạo nên một tinh thần rất Việt, tác phẩm Gội đầu của Trần Văn Cẩn với chất liệu khắc gỗ lại có thể xem là một học tập khác cũng không kém phần quan trọng đối với sự phát triển của nghệ thuật đồ họa Việt Nam. Đó chính là sự ảnh hưởng của nghệ thuật khắc gỗ Nhật Bản.

Tác phẩm vẽ ra một hình ảnh quen thuộc về một người thiếu phụ ngực trần đang khom lưng xõa tóc chải đầu. Với gam màu nhuần nhị trắng, xanh, những nét khắc tỉ mỉ thể hiện ra trên mái tóc đổ tràn, cách tạo hình ngón tay cô gái và hai bông hoa hồng lấp ló phía sau, ta như cảm nhận được bức tranh này đã thoát thoai hoàn toàn ra khỏi ảnh hưởng của lối khắc gỗ dân gian Đông Hồ. Ở đó hiện lên một tinh thần mới học được từ các tranh khắc gỗ màu của Nhật Bản nhưng lại khơi gợi lên sự giản dị tinh tế của tâm hồn người Việt.

Tác phẩm “Thiếu nữ trong vườn” của Nguyễn Gia Trí.


Bên cạnh sơn dầu, khắc gỗ, nghệ thuật tranh sơn mài là một thành tựu vô cùng rực rỡ của hội họa Việt Nam buổi đầu.

Năm 1932, khi chất liệu sơn ta trong nghệ thuật truyền thống Việt được chính thức được cải biến kỹ thuật để trở thành một chất liệu của Hội họa hiện đại Việt Nam với công lao của nghệ nhân Đinh Văn Thành, hàng loạt các tác phẩm tranh sơn mài của các họa sĩ Việt đã ghi nhận những dấu ấn không thể phai mờ. Trong đó, bức bình phong 8 tấm ghép “Thiếu nữ trong vườn" của Nguyễn Gia Trí là một điển hỉnh.

Trên nền tranh thếp vàng lộng lẫy, những cô thiếu nữ như hiện lên thành từng nhóm với những phân mảng xa gần, hư thực. Bức tranh là sự đánh dấu thành tựu quan trọng của sự kết hợp nhuần nhị giữa lối tạo hình vàng son trong mỹ thuật truyền thống và lối tạo hình hiện đại. Bức tranh cũng ghi nhận kỹ thuật cẩn trứng để tạo nên màu trắng sáng trên tranh đặc biệt là trên gương mặt của các cô thiếu nữ như bừng lên sắc trẻ.

Tác phẩm “Nhớ một chiều Tây Bắc" của Phan Kế An.


Cho đến cuối thập niên 40, dẫu kỹ thuật sơn mài đã tương đối hoàn thiện nhưng hầu như các họa sĩ vẫn loay hoay trong bảng màu chỉ có các sắc nóng như đỏ son, vàng kim loại, đen và nâu cánh gián, thách thức tìm ra được các gam lạnh như lục, lam luôn đau đáu.

Năm 1948, cùng với Nguyễn Tư Nghiêm, Tô Ngọc Vân đã nghiên cứu ra màu lục bằng cách ngâm chi tử với sơn cánh gián và được ông thử dùng trên tác phẩm “Chạy giặc trong rừng”. Dẫu bức tranh này có phần dở dang nhưng rõ ràng gam lục ánh lên cùng sắc bạc kim loại dán dưới nền tranh khiến cho bức họa trở nên bí ẩn.

Đến năm 1955, với “Nhớ một chiều Tây Bắc” của Phan Kế An, dường như màu lục đã tạo nên những chuyển sắc vô cùng tinh tế trên những dãy núi điệp trùng. Sắc vàng cũng không còn có tính trang trí nữa mà rực lên màu nắng lan khắp mặt tranh tạo nên nét thi vị và lạc quan đầy tinh thần cách mạng cả trên trên tranh lẫn trong kỹ thuật tạo hình.

Từ “Giờ học tập” đến “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng.


Tiếp theo những khám phá về bảng màu của chất liệu tranh sơn mài, thách thức đối với các họa sĩ Việt đó là biến chất liệu này thành một chất liệu có khả năng mô tả hiện thực không kém gì tranh sơn dầu. Và, tác phẩm “Giờ học tập” của Nguyễn Sáng đã ghi nhận thành tựu đó. Dẫu chỉ có 4 nhân vật được bố cục trên một nền đỏ son, nhưng rõ ràng ở đây người ta nhìn thấy một nỗ lực to lớn của họa sĩ muốn mô tả ánh sáng hắt lên tấm lưng, gương mặt, gò má, bắp tay kiểu như cách các tác phẩm tranh sơn dầu mô tả hình họa cơ thể người.

Nếu sơn dầu lối mô tả hiện thực đó đã rất khó, với chất liệu sơn mài, phải vẽ lên rồi mài ra còn khó hơn thế vạn lần. Bức tranh này có thể xem là một bước đệm quan trọng cho việc ra đời tác phẩm quan trọng bậc nhất của nền hội họa cách mạng Việt Nam năm 1963 “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”. Những người lính được kết nạp trong chiến hào được mô tả với dáng vẻ chân thực nhất nhưng cũng khái quát nhất, ghi nhận một thành tựu, một đỉnh cao của hội họa sơn mài Việt Nam.

Tác phẩm "Điệu múa cổ" của Nguyễn Tư Nghiêm.


Sau cùng, những học Tây, học Nhật rồi quay về học các “cụ” để tiếp nối truyền thống bằng những khám phá kể trên cho chất liệu sơn mài. Sẽ là thiếu sót nếu ta không nhắc đến những bức tranh vẽ về điệu múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm. Ông cũng là người góp một phần không nhỏ trong việc nghiên cứu chất liệu sơn mài cho hội họa hiện đại Việt Nam.

Việc quay trở lại thẩm mỹ dân gian đã thổi vào trong những tác phẩm của ông một sức sống sáng tạo mới. Những chạm khắc đình làng đã theo chân “điệu múa cổ” của ông để trở thành một hình thức tạo hình mới. Những nét vàng son lộng lẫy, kiểu thức trang trí nét mảng như được quay lại trong tranh ông nhưng ở một tâm thế khác. Dường như trên những cô gái đậm chất dân gian này là hồn cốt dân tộc mà hòa quyện nhuần nhuyễn tạo hình lập thể châu Âu.

Một hơi thở mới, một sức sống mới, một diện mạo mới đó là những thành tựu không thể phủ nhận của những tác phẩm hội họa Việt Nam trong tiến trình phát triển của nó. Có thể nói thế hệ các họa sĩ bậc thầy ấy, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm ... đã làm nên những dấu son bằng những tác phẩm để đời của mình để thay đổi lịch sử mỹ thuật Việt Nam một cách ngoạn mục.



Trang Thanh Hiền

Nguồn: Báo VietNamNet - 04/9/2021

0 comments:

Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại

Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại

Tô Ngọc Vân

Trường Mỹ thuật, năm đầu tiên sáng lập, ở khu vực vườn Dufeur, cũng trong phạm vi của Trường Mỹ thuật bây giờ. Đó là một sưởng lớn, lợp kẽm trước kia chứa xẻng cuốc của sở Lục-lộ, năm 1925, vừa là tư thất của ông Đốc Tardieu, vừa là chỗ họp của những người mới được tuyển. Giữa cái ổ đầu tiên của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại ấy có những bức tranh vĩ đại của Tardieu, hiện giờ dán ở giảng đường trường Cao đẳng, hồi ấy chưa mờ đi vì rêu mốc như ngày nay, lúc nào cũng rực lên cái ánh sáng vàng đỏ của màu cam chín. Trước mặt, một cái thang dài đứng lêu nghêu, tới tận đỉnh tranh, và kêu răng rắc mỗi khi ông Tardieu nặng nề bước lên để vẽ vào bức họa. Cái thang ấy, ngày ngày ở cao nhìn xuống chúng tôi tụm nhau dưới chân nó, như vừa thiện cảm vừa tinh nghịch thóc mách. Suốt buổi nó ngắm cái đầu rối bù rất mỹ thuật và muốn có trật tự của Lê Phổ, lúc nào cũng trịnh trọng trên vòng cổ cồn cứng gẫy góc, chung quanh thắt cà-vạt đen dài. Nó ranh mãnh chứng kiến cái chuyện chẳng may của chàng Nguyễn Phan Chánh, cứ một ngày lại y như thế xảy ra hai lần, sáng và chiều. Số là chàng có cái ô bạc màu mỗi buổi đi theo chàng mà chàng nhất định giữ bên mình không rời trong khi ngồi vẽ. Ông Tardieu hôm đầu thấy thế không sợ mích lòng chàng, đem cái ô cài vào mình thang, nhưng… buổi sau, sau nữa, và buổi nào cũng thế, công việc giữ ô cạnh mình là của chàng Phan Chánh, công việc cài ô vào thang là của ông Đốc Tardieu. Còn công việc cái thang lêu nghêu của chúng tôi là mỗi lần ô đặt lên mình nó lại kêu “cắc!”, nện xuống như chế nhạo, đếm thêm một lần.

Victor Tardieu và bức tranh trang trí vẽ trên vải dán tường thực hiện cho Giảng đường lớn Trường Đại học Đông Dương (Khoa Y học) thời gian đang còn ở địa điểm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (hoàn thành năm 1927)

 

Ông Trần Phềnh (người thứ 3 từ trái sang) cùng một nhóm kịch người Pháp tại bậc thềm Nhà hát lớn Hà Nội. Khoảng 1917-1918

 

Ngồi góc kia là Mai Trung Thứ, môi ưỡn ra, hai mắt lồi bật như muốn chạy lên mình người khỏa thân đứng kiểu mà chàng đang kiên tâm chép họa hình thể. Ngồi góc này là Lê Văn Đệ cũng mải miết, cũng kiên tâm, và thỉnh thoảng thích chí cái gì không ai rõ, cười phì ra một hơi, như chiếc pháo sì bất ngờ lên tiếng…

Nếu trường Mỹ thuật không có! Bao nhiêu lòng nhiệt thành ham yêu mỹ thuật đã đem phung phí trong một nghệ thuật bất chính rồi con gì! Ông trời ở nghệ thuật ấy là ông Trần Phềnh, họa sĩ mà trước kia chúng tôi rất phục tài và coi như cái đích tuyệt cao khó tới. Nghệ thuật của ông cốt ở sự khéo tay, quen tay; cái tài là bịa những màu xanh đỏ bôi lên hình thể đã chép theo đúng những bức ảnh, không cần đến sự rung cảm của nghệ sĩ.
Kỳ thi thứ nhất vào trường Mỹ thuật, ông Phềnh đến dự. Chúng tôi thèm thuồng nhìn ông, nghĩ rằng địa vị ông không phải để làm học trò trường Mỹ thuật, mà để vào dạy đấy. Trong phòng thi bài vẽ “người khoả thân” người ta trố mắt theo nhịp tay ông lượn trên trang vẽ; đưa lên lần lượt lấy một đống gài ở kẽ tai, những bút chì to nhỏ bé tí, những cuộn giấy đánh bóng đủ tầm, đủ khổ, khéo léo như người thợ cạo lấy ráy tai cho khách hàng, ông sẽ vờn tỉa những lông mi hay những nét răn trên mỗi bức tranh ông truyền thần “người mẫu”. Kết quả kỳ thi làm mọi người kinh ngạc: ông Phềnh bị đánh hỏng và hết thiêng, với cả nghệ thuật của ông.
Vui vẻ, mê yêu, tin tưởng, chúng tôi vào cửa trường Mỹ thuật để tới thâm cung của “Đẹp” mà chả bao lâu đã thoáng thấy quyến rũ làm sao! Có trai gái nào say đắm sắc đẹp người bằng chúng tôi mê cái “Đẹp”?

Nguyễn Phan Chánh năm 1924

 

Trang đầu bức thư của Victor Tardieu gửi Nguyễn Phan Chánh nói về thành công của nhà trường tại Đấu xảo Paris 1931 (Paris, ngày 24 tháng 5 năm 1931)

 

Trong thế giới những tâm hồn đam mê ấy, người ta nói đến danh họa Tầu, Nhật hay Âu-Tây thế kỷ này và thế kỷ trước, người ta tách biệt tính nết, biệt tài của họ, y như những người đã quen biết nhau lắm, đã hiểu nhau quá rồi, tuy người ta mới đọc về họ hay nhìn những bức ảnh chụp có màu hay không về tác phẩm của họ? Nhưng ai đã hiểu rồi mới yêu! Ở tác phẩm ấy, có một vẻ gì gây thiện cảm, một không khí gì trong đó những học sinh trường Mỹ thuật của chúng ta thấy dễ chịu thảnh thơi. Đừng hỏi họ vì sao. Họ sẽ chỉ có thể bắt chước Montaigne mà trả lời: “vì là Hokusai, Manet, Cézanne, Van Gogh… vì là chúng tôi…”

Sự đụng chạm của trường Mỹ thuật với công chúng bắt đầu ở cuộc triển lãm thứ nhất vào khoảng 1928-1929, tại ngay trường Mỹ thuật. Có tranh “thiếu nữ rũ tóc” mặt buồn của Lê Phổ, tranh “thiếu nữ ngồi trên sập” hai mắt ươn ướt như sắp khóc của Mai Trung Thứ. Có tranh “ông già” nhẹ nhàng của cô Lê Thị Lựu, những tranh nặng nề nâu tối cảnh nhà quê của Nguyễn Phan Chánh. Tranh lụa chưa ra đời. Đó chỉ là tranh sơn mặt sàn sạn và gồ ghề. Đâu nhẵn và bóng lộn như ảnh mà công chúng thích. Các báo bình phẩm dè dặt. Người ta chê màu thuốc của Lê Phổ và Phan Chánh như “đất bùn”. Họ có ngờ rằng đó lại là một nhời khen không? Một tờ báo hằng ngày mỉa mai tranh của Mai Trung Thứ “dâm” quá. Chỉ tại tác giả vẽ một thiếu phụ mặc quần lĩnh bóng với áo cánh, không có áo dài phủ ngoài…
Trong làng Hội họa, khuynh hướng chung lúc ấy là sự nặn nọt hình thiếu nữ cho có vẻ mơ màng, ngây thơ, đa sầu. Dấu vết thời đại chăng! Ai vẽ mắt ướt, sắp khóc tài bằng Mai Trung Thứ? Tất cả thiếu nữ của Lê Phổ, mắt đều mờ, không ánh linh động.

NGUYỄN PHAN CHÁNH – Đi củi. Khoảng 1932-1938. Lụa

 

Các sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đi thực tế ở nông thôn. Khoảng 1928-1929. Từ trái sang: Mai Thứ, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ

 

Người ta muốn tác phẩm của mình có vẻ Tầu, Nhật; người ta đóng lên tranh những dấu son chiu chít viết lên những hàng chữ Hán giài giòng, vẽ ra những hòn đá cái cây, giáng điệu mà chỉ thấy ở tranh Tầu. “Tầu thực!” là một tiếng khen bức tranh mà họa sĩ tác giả mở lòng nhận lấy. Cảnh buồn cười đó đã bầy ra một tâm trạng kiểu cách, trọng những lề lối hơn là sự cảm xúc chân thật, dường như tác phẩm hội họa chỉ có dáng dấp bề ngoài mà không ẩn nấp một tâm hồn ở trong!
1931… Đấu xảo thuộc địa bên Pháp đã đưa công chúng Pháp lần đầu “gặp” tác phẩm hội họa Việt Nam! Tôi muốn nói những bức tranh vẽ lên lụa không Tây, không Tầu, không Nhật của anh chàng Phan Chánh khư khư giữ ô ngày trước, cái anh chàng đã gây ra phong trào tranh lụa đặc biệt An-nam mà chính anh và tất cả ai không ngờ.

Tô Ngọc Vân
(Tiểu luận này của Tô Ngọc Vân đăng trong tập san Xuân Thu nhã tập năm 1942. Chính tả của nguyên bản được giữ nguyên).

(Giai phẩm số xuân, Đời nay xuất bản năm 1943, tr,85-87.)
Nguồn: TẠP CHÍ MỸ THUẬT - 10/12/2020

0 comments: