Danh họa Tô Ngọc Vân: Cần thêm chút thân tình với hội họa
Huyền Minh
Danh họa Tô Ngọc Vân cất tiếng khóc chào đời ở Hà Nội nhưng quê gốc xứ Đông, xã Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông hy sinh ngày 17/6/1954 ở km 41 Ba Khe, bên kia đèo Lũng Lô, gần chiến trường Điện Biên Phủ. Ông đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ và được cải táng trong nghĩa trang Mai Dịch…
Vừa là một trong những người có công đặt nền móng cho hội họa hiện đại nước nhà, vừa là một nhà lý luận nghệ thuật bậc thầy, Tô Ngọc Vân đã trải qua những tháng ngày sống và sáng tạo rất không dễ dàng, trong những năm tháng dân tộc và đất nước vượt lên những thử thách khắc nghiệt của thời kháng chiến. Không phải mọi điều ông làm và nói đều được những người đồng thời hiểu đúng, nhưng Tổ quốc cuối cùng vẫn đánh giá đúng cống hiến to lớn của ông. Tô Ngọc Vân là họa sĩ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên năm 1996. Tên họ ông được đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam. Một ngọn núi lửa trên sao Thủy cũng mang tên ông…
Tài năng từ trẻ
Tô Ngọc Vân sinh ngày 15/12/1906. Năm 20 tuổi, ông thi đỗ vào học khóa II Khoa Sơn dầu, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tới năm 1931, sau khi tốt nghiệp, mặc dù đã nổi tiếng và có tranh được giải thưởng ở Pháp nhưng ông đã phải lần hồi kiếm sống bằng chính nghề vẽ thuê và minh họa cho các báo. Rồi năm 1935, ông được bổ nhiệm làm giáo viên dạy vẽ ở Phnom Penh. Năm 1938, ông chuyển về Hà Nội, dạy ở trường cũ…
Những tác phẩm đầu tiên của Tô Ngọc Vân thiên về phong cảnh, tuy cũng thu hút được sự chú ý của xã hội nhưng phải tới đầu những năm 1940, ông mới thực sự được đánh giá cao với những bức tranh thiếu nữ như Buổi trưa và Thiếu nữ bên hoa huệ (cả hai đều được vẽ năm 1943), Thiếu nữ bên hoa (1944)… Ở ông, những tri thức hội họa phương Tây đã kết hợp thực sự nhuần nhuyễn với cốt cách Á Đông và Việt Nam. Ông là một trong những họa sĩ người Việt hiếm hoi từng vẽ tem ngay trong thời Pháp thuộc. Những cảm xúc từ xứ sở Ăngco đã giúp ông tạo nên mẫu tem Ápsara. Đó là mẫu tem thứ 23 của Bưu điện Đông Dương kể từ khi Pháp phát hành tem thư và cũng là duy nhất ông góp vào nền nghệ thuật tem thư ở Việt Nam…
Tô Ngọc Vân được đánh giá là một tài năng xuất sắc, một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim nhiệt huyết và tình yêu quê hương, đất nước nóng bỏng, có công đầu trong việc sử dụng sơn dầu vào hội họa hiện đại. Ông từng được xếp ở vị trí thứ ba trong câu truyền tụng về “tứ bất tử” của nền hội họa Việt Nam thế kỷ XX: “Nhất Trí” (Nguyễn Gia Trí), “nhì Lân” (Nguyễn Tường Lân), “tam Vân” (Tô Ngọc Vân), “tứ Cẩn” (Trần Văn Cẩn)...
Họa sĩ chiến sĩ
Đi theo cách mạng, Tô Ngọc Vân cũng đã có những đóng góp nổi bật cho nền nghệ thuật nước nhà. Trong Phòng triển lãm Hội họa Kháng chiến 1947-1948, khai mạc ngày 18-7-1948 (ngày Văn nghệ trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc) có trưng bày tác phẩm của ông. Theo lời tường thuật trên Tạp chí Văn nghệ,
“Tô Ngọc Vân cũng vận dụng cái đẹp của người con gái để diễn tả cảm xúc của mình. Trong bức tranh Thủ đô kháng chiến, họa sĩ dùng hình cô thiếu nữ để tượng trưng cho cái đẹp của Thủ đô”. Những ký họa kháng chiến của ông mang đậm hơi thở nóng bỏng của thời cuộc nhưng vẫn toát lên những cảm xúc nhân văn sâu sắc.
Danh họa Tô Ngọc Vân còn là nhà lý luận lớn, đầy tự trọng về mỹ thuật. Ông quan niệm rất tỉnh táo và đúng mực về vai trò của hội họa:
“Người ngoài nghề hội họa thường không rõ hội họa với văn chương tuy có nhiều đồng tính trên đất nghệ thuật, nhưng khả năng khác nhau và không thể thay thế lẫn nhau một cách thỏa mãn. Văn chương diễn đạt tư tưởng đến một chỗ tế nhị. Hội họa chỉ có thể khơi gợi tư tưởng mà không diễn đạt nổi. Thay tập Pensées của Pascal bằng tập tranh để người xem tranh thấu hiểu tư tưởng ông mà không đọc đến tập Pensées là việc cả thế giới hội họa đều chịu. Khi nhà họa sĩ xã hội đặt ở cùng bức họa người đói rách cạnh kẻ phú hào, ý thức về sự bất công trong xã hội có thể GỢI lên được. Còn truy tầm đến căn nguyên của vấn đề, thâm diễn mọi khía cạnh của nó, hội họa chịu. Kể lại một gương chiến đấu của ta trong cuộc vật lộn với kẻ thù ngày nay, văn chương có khả năng để làm. Hội họa chỉ có thể trình ra một cách chiến đấu để GỢI ý người xem. Hội họa so với văn chương bất lực để diễn ý, nhưng sở năng diễn TÌNH”...
Hiểu biết sâu sắc về mỹ thuật thế giới nhưng Tô Ngọc Vân luôn lấy hồn vía dân tộc làm căn bản. Trong buổi thuyết trình trước Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày Văn nghệ 19-7-1948, ông đã nói về sơn mài và khẳng định:
“Dư luận Âu châu thắc mắc hỏi: hội họa nên hướng về đâu?
Chúng tôi đáp: Hướng về Việt Nam!
Hội họa thế giới, theo ý chúng tôi, sẽ thấy lối cải sinh cho mình trong sơn mài... Sơn mài được điêu luyện trong tay người Việt Nam, sẽ trao như kỷ niệm của những người đã chiến đấu cho tự do, hòa bình, trao sang tay các nghệ sĩ trên thế giới, góp một phần vào sự xây dựng một nền nghệ thuật mới của nhân loại”.
“Tranh đấu bằng quân sự, chính trị để chứng tỏ chúng ta có khả năng sánh vai với các nước độc lập trên thế giới chưa đủ. Còn cần đoạt được tinh thần độc lập trong văn nghệ.
Công chúng mới của chúng ta không chỉ Việt Nam. Thành quách đô hộ bịt quanh tô giới nước Việt Nam đã sụp. Người thế giới đã nhìn thấy Việt Nam rồi. Giá trị địa phương không còn đủ là một giá trị hoàn toàn.
Muốn nói thứ tiếng văn nghệ quốc tế nhất là hội họa với một giọng độc lập, giới họa sĩ Việt Nam thấy cần phải hướng về tính dân tộc...
Chớ ai lấy nê sự giao thông ngày nay đã nối giòng liền những dân tộc khác tính và xa nhau, mà quan niệm một kiểu nghệ thuật thế giới xóa nhòa bản chất dân tộc...” (Bài báo Bao giờ mới có hội họa Việt Nam, in trên Tạp chí Văn nghệ số mùa xuân năm 1949).
Đối với Tô Ngọc Vân, sáng tạo là quá trình phấn đấu, tu luyện không ngừng nghỉ. Ông tâm sự trên số tháng Tư năm 1948 Tạp chí Văn nghệ (Hội Văn nghệ Việt Nam) mà nhà thơ Tố Hữu làm Thư ký Tòa soạn:
“Riêng phần tôi, mỗi bức xong là kèm theo bất mãn và có khi thất vọng. Tác phẩm lúc còn ở trong óc mình, sao nó đẹp và to thế! Mỗi bức tranh sinh sau là một sự cố gắng ước mong hơn để cố nhích một chút trên đường nghệ thuật. Bọn nghệ sĩ chúng tôi cứ thế mà đi, chưa hề tưởng mình đã “đến”, quan niệm sáng tác là lẽ sống của mình, là sự cần sống của mình. Còn câu chuyện “huy chương”, phỏng có trọng lượng gì?”.
Tô Ngọc Vân cũng xác định rất rõ về sứ mệnh của người nghệ sĩ. Trong bài viết đã dẫn trên Tạp chí Văn nghệ, tranh luận với học giả Đặng Thai Mai về tranh tuyền truyền và hội họa, ông đã nhấn mạnh:
“Để “kết luận “vài ý nghĩ” của ông, ông Đặng Thai Mai nêu ra một vấn đề nghệ thuật mà ông coi là “chính”, ông hỏi: “Ta đã thiệt cảm thông với đề tài, với độc giả, với khán giả của ta chưa? Ta đã cầm chắc được những nhận xét thấu đáo về tri thức, về khoa học và bút pháp kỹ thuật cần cho sự biểu hiện của thiên tài chưa?”.
Nhưng tôi nói:
“Sống! Sống thêm nữa! Với đau khổ! Hứng cảm của mọi người!
Rồi sáng tác và sáng tác! Với tất cả tấm lòng thiết tha yêu mến”.
- Thế còn “thiên tài”?
- A, thiên tài. Thế anh sáng tác cho anh hay để làm thiên tài?”
Thật chí lý và hóm hỉnh!
Tô Ngọc Vân đã sớm bộc lộ quan điểm của mình về tính quần chúng trong hội họa nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung. Tháng 2-1949, trong báo Họa: Học hay không học?, ông đã đưa ra những bàn luận của cá nhân mình về bài viết của đồng chí Trường Chinh Mấy vấn đề thắc mắc về văn nghệ, trong đó khẳng định:
“Quần chúng là giám khảo sáng suốt nhất”. Cũng chính đồng chí Trường Chinh đã đặt ra câu hỏi:
“Quần chúng có cần học nghệ thuật rồi mới phê bình được không?” rồi tự trả lời:
“Thưa không… Bởi vì quần chúng gồm nhiều tai mắt, óc khôn và cảm giác chung đấu lại…”. Thế nhưng, theo Tô Ngọc Vân,
“quần chúng phải học nghệ thuật hội họa mới thưởng thức sâu rộng được hội họa, phải học tiếng nói của hình sắc mới nghe được hình sắc kể lể những gì. Có tai mắt, dù là của nhiều người, mà chỉ quen biết cái vỏ ngoài của bức họa; có óc không, dù là của số đông, dù khôn ở đâu đâu ấy, nhưng lạc vào một địa hạt bỡ ngỡ, xa lạ, có cảm giác; dù là của đại chúng, nếu không được luyện tập để đồng điệu với mỹ cảm, thời tai mắt, óc khôn, cảm giác ấy chưa có gì bảo đảm để hướng dẫn người chuyên môn hội họa trên đường sáng tác”.
Và danh họa khẳng định:
“Khi quần chúng đã gây dựng được vốn tri thức về hội họa rồi, quần chúng đủ lẽ để có quyền hưởng thụ, mạt sát hay ca tụng. Khi ấy, người họa sĩ sẽ tin cậy ở quần chúng, sẽ do nơi quần chúng mà kiểm tra sản phẩm của mình. Lúc đó thì, còn đâu là thắc mắc của người sáng tác đứng giữa hai cái mình phụng sự dân tộc đại chúng và phụng sự nghệ thuật, khi đó đã kết tinh thành một! Lúc ấy, họa sĩ sẽ tin tưởng: “Quần chúng là quan giám khảo... sáng suốt nhất”...
Để kín kẽ hơn trong lập luận khi đưa ra một ý kiến không trùng khít với lãnh đạo, Tô Ngọc Vân đã ý vị nhấn mạnh:
“Thực ra ông Trường Chinh cũng không nghĩ khác tôi đâu. Ông đã nhận trình độ văn nghệ của quần chúng nước ta hiện nay kém. Khuyên nhà văn nghệ đừng “quên dùng tác phẩm của mình đưa trình độ nhân dân lên một mực cao hơn. Ông đã đề ra một lối luyện học cho quần chúng. Tôi chỉ muốn thêm vào lối này một phần học hỏi dầy hơn, nhiều sự chú ý về hội họa nữa, và cái chất này cần lắm: một chút thân tình với hội họa”.
Bây giờ đọc lại nhiều bài viết của Tô Ngọc Vân, càng thấm thía sự đúng đắn và đúng mực của ông trong tư duy về nghệ thuật…
Huyền Minh
Nguồn:
Báo Đại Đoàn Kết - 14:05:13 08/01/2020
1 comments: